QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỪ CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM

QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỪ CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC GIA CẦM

QUẢN LÝ VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TỪ CÁC CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM

Quy định về quản lý chất thải rắn từ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm Quản lý chất thải rắn từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm Bộ NN&PTNT đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải trong cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm QCVN: 01-25:2009/BNNPTNT.

Phân loại chất thải rắn tại cơ sở giết mổ

Chất thải rắn nguy hại

Là chất thải chứa các yếu tố độc hại, dễ lây nhiễm hoặc các đặc tính nguy hại khác ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái. Chất thải rắn nguy hại trong giết mổ gia súc bao gồm: xác gia súc chết do bệnh hay nghi bệnh, các loại thịt, phủ tạng có bệnh tích, bùn thải từ hệ thống xử lý chất thải. Như vậy đặc trưng dễ nhận biết của chất thải rắn nguy hại trong giết mổ gia súc là loại chất thải dễ lây nhiễm cho người và gia súc.

Chất thải rắn thông thường

Là những chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, sinh hoạt của cơ sở không chứa các yếu tố nguy hại. Chất thải rắn thông thường trong giết mổ gia súc bao gồm: phân, thức ăn thừa, lông, móng, xương vụn, thịt vụn. Chất thải rắn giết mổ thông thường có đặc điểm không chứa các yếu tố lây nhiễm và là chất thải không có khả năng tái chế.

Các bước quản lý, xử lý chất thải rắn từ các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm

Phân loại chất thải rắn tại nguồn cở sở giết mổ

– Phải thực hiện phân loại chất thải rắn ngay tại nơi phát sinh, chứa đựng trong bao bì theo đúng quy định.

 – Chất thải nguy hại không được để lẫn với chất thải thông thường. Nếu vô tình để lẫn chất thải nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được xử lý và tiêu hủy như chất thải nguy hại.

Một số biểu tượng chỉ loại chất thải
Một số biểu tượng chỉ loại chất thải

Thu gom, lưu trữ chất thải rắn thông thường trong cơ sở giết mổ

Phải lắp đặt lưới chắn trên sàn nhà để thu gom chất thải.

Tất cả các khu vực sản xuất ở cở sở giết mổ phải có dụng cụ phân loại và bao bì đựng chất thải.

Bao bì đựng chất thải phải đảm bảo vệ sinh và được thay thế thường xuyên.

Dụng cụ thu gom các loại chất thải như lông, phủ tạng phải được bố trí đầy đủ.

Phân gia súc phải được dọn dẹp sạch sẽ hàng ngày.

Chất thải rắn phải được thu gom và xử lý ngay, không để tồn đọng quá 24 giờ.

Xử lý chất thải rắn

Xử lý chất thải rắn ở cở sở giết mổ thông thường

Có nhiều phương pháp xử lý chất thải rắn thông thường trong hoạt động giết mổ như lên men yếm khí, ủ compost,… trong đó phương pháp ủ compost được sử dụng rộng rãi và đơn giản hơn.

Quy trình xử lý chất thải rắn giết mổ bằng phương pháp ủ kín làm phân compost
Quy trình xử lý chất thải rắn giết mổ bằng phương pháp ủ kín làm phân compost

Tái sử dụng chất thải rắn tại cơ sở giết mổ

Xương:

Xương động vật sau khi thu gom được làm sạch, xử lý nhiệt, nghiền nhỏ và bảo quản lạnh trước khi đưa đi chế biến thành thức ăn chăn nuôi.

Sừng, móng:

Sừng, móng gia súc sau khi thu gom được luộc, bỏ lõi và phơi khô để chế tạo các sản phẩm thủ công như lược, cờ.

Da:

Da tươi cần bảo quản kỹ vì các cơ sở giết mổ thường cung cấp không đều đặn và các lô da cần đồng đều về chất lượng.

Mục đích của việc bảo quản là loại bỏ sự phá hoại của các vi khuẩn hoặc hạn chế chúng. Có thể thực hiện bằng cách giảm lượng nước trong da, hay hạ thấp độ pH đến giá trị pH của axit mạnh và cũng có th ể thực hiện qua việc hạ nhiệt độ xuống dưới 0 độ C.

Các phương pháp bảo quản da tươi gồm:

+ Ướp muối (cách thông dụng nhất).

+ Phơi khô da.

+ Ướp muối và phơi khô.

+ Axit hoá.

+ Bảo quản trong phòng lạnh.

Tiết:

Tiết là phụ phẩm của quá trình giết mổ, chứa khoảng 17% protein và có hàm lượng lysine cao, đây là một trong những nguồn nitơ tự nhiên cao có thể tận dụng làm thức ăn bổ sung trong chăn nuôi gia súc.

Tận dụng được nguồn phụ phẩm này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương phẩm của ngành chăn nuôi, ngoài ra nó còn có thể giảm tải cho việc xử lý môi trường.

Xử lý chất thải rắn giết mổ nguy hại

Phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh

Áp dụng với chất thải nguy hại: gia súc bị dịch bệnh, sản phẩm bị nhiễm bệnh,… Phương pháp này khuyến khích áp dụng đối với các cơ sở giết mổ chưa có hạ tầng xử lý chất thải rắn nguy hại đạt tiêu chuẩn tại địa phương.

Không chôn chất thải rắn nguy hại lẫn với chất thải thông thường. Việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp tuân theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-41:2011/BNNPTNT.

Cụ thể như sau:

– Địa điểm:

+ Địa điểm chôn lấp phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Địa điểm chôn lấp phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

+ Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, địa điểm chôn phải ở cuối khu giết mổ và cuối hướng gió chính.

+ Không chôn động vật và sản phẩm động vật ở vùng ngập nước hoặc có mực nước ngầm nông.

+ Bãi chôn lấp phải xa các đô thị, các thành phố, khu đông dân cư, công trình văn hoá, khu du lịch, đền chùa, bệnh viện, trạm y tế. 

+ Nên chôn xác gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật trong khu vực có nhiều cây xanh (cây lấy gỗ, lấy nhựa,…) để quá trình vô cơ hoá trong hố chôn xẩy ra nhanh chóng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

– Quy định hố chôn:

+ Ở khu vực đất cát, đáy và xung quanh thành hố chôn cần có vật liệu chống thấm để bảo vệ nguồn nước ngầm.

+ Quy định chung về kích thước hố: chiều rộng không quá 3m để dễ thao tác, chiều dài có thể 9 – 12m, chiều sâu 1,2 – 1,5m.

 + Trường hợp lượng chất chôn lấp trên 10 tấn/hố, vị trí hố chôn gần khu vực khai thác nước ngầm, sông, hồ, hố chôn cần được lót vật liệu chống thấm ở đáy và xung quanh thành hố.

+ Nếu lượng chất chôn lấp ít (dưới 10 tấn/hố), ví trí hố chôn xa khu dân cư, xa nguồn nước, mực nước ngầm sâu và không có vật liệu chống thấm thì chôn trực tiếp.

+ Sau khi chôn lấp, bề mặt hố chôn và xung quanh khu vực chôn phải được rải vôi bột, phun khử trùng để diệt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác.

+ Phải đặt biển báo ở khu vực chôn lấp động vật và sản phẩm động vật.

Hố chôn lấp
                                                                                               Hố chôn lấp

Phương pháp thiêu đốt

Là phương pháp sử dụng nhiệt độ cao (từ 800 – 1200oC) hoặc lớn hơn để đốt chất thải rắn giết mổ nguy hại. Phương pháp đốt có ưu điểm là xử lý được đa số các loại chất thải rắn giết mổ nguy hại, làm giảm tối đa về mặt thể tích của chất thải.

Nhược điểm của phương pháp đốt là nếu chế độ vận hành không chuẩn và không có hệ thống xử lý khí thải sẽ làm phát sinh các chất độc hại như dioxin, furan gây ô nhiễm môi trường thứ cấp; chi phí vận hành, bảo dưỡng và giám sát môi trường cao

Khử trùng tiêu độc

Việc tiêu độc khử trùng phải bảo đảm tiêu diệt được mầm bệnh trên quần áo, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, nhà xưởng, nền chuồng và môi trường xung quanh; Phải thực hiện việc làm sạch cơ học trước khi tiêu độc khử trùng.

Vận chuyển chất thải ra ngoài cơ sở giết mổ

– Phương tiện vận chuyển chất thải phải kín bảo đảm không làm rơi vãi chất thải nước thải trong quá trình vận chuyển.

– Chất thải nguy hại không được vận chuyển chung với chất thải thông thường. Nếu phải vận chuyển chung thì toàn bộ chất thải vận chuyển chung phải được xử lý như chất thải nguy hại.

– Cơ sở phải quy định giờ vận chuyển chất thải. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực sạch trong lò mổ.

– Bao bì đựng chất thải phải được buộc kín miệng. Không được làm rơi, vãi chất thải, nước thải và phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển.

Quy định về chuyển giao chất thải

– Trường hợp cơ sở giết mổ không có điều kiện xử lý chất thải tại chỗ thì chủ cơ sở phải chuyển giao chất thải cho các tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải.

– Việc chuyển giao chất thải phải thực hiện đúng quy định hiện hành, có hợp đồng chuyển giao cụ thể giữa cơ sở với chủ thu gom, vận chuyển chất thải. Theo thống kê của Bộ TN&MT, đến hết năm 2016, cả nước có hơn 35.000 cơ sở giết mổ. Tại các cơ sở giết mổ tập trung (tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh), tuy đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng nhiều cơ sở vẫn chưa đạt yêu cầu.

Các điểm giết mổ nhỏ lẻ thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, phát triển tự phát và thiếu hoàn toàn quy hoạch. Cơ sở vật chất lạc hậu, không phân chia khu vực rõ ràng, chất thải xả ra môi trường một cách tùy tiện. Để nâng cao trách nhiệm trong việc vệ sinh an toàn nơi sản xuất và môi trường sức khoẻ con người việc áp dụng các phương pháp này là bắt buộc.

Hoà Bình Xanh chúng tôi đã tìm hiểu sơ lượt về các biện pháp quản lý và xử lý chất thải rắn từ các cơ sở giết mổ mong sẽ đem lại một phần tài liệu cho việc xử lý chất thải cho các quý doanh nghiệp. Với phương châm: ”Uy tín, chất lượng là hàng đầu” Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Hòa Bình Xanh mang đến cho quý khách hàng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cần thiết của quý khách.

Nếu còn thắc mắc về quy trình hay thiết kế hệ thống xử lý hãy liên hệ cho Hoà Bình Xanh chúng tôi qua số hotline: 0943466579 để được hỗ trợ nhanh nhất.

Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Hoà Bình Xanh

 

Nhận xét bài viết!