Nghị định số 45/2022/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

NGHỊ ĐỊNH SỐ: 45/2022/NĐ-CP XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được ban hành.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ.

Vậy Nghị định 45/2022/NĐ-CP bao gồm nội dung gì và có những điểm mới gì cần lưu ý? Hãy cùng Hòa Bình Xanh tham khảo bài viết sau nhé!

1. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là gì?

Ngày 7/7/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022 thay thế cho Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 55/2021/NĐ-CP.

Nghị định bao gồm 04 chương, 78 điều, quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo có đầy đủ chế tài xử phạt vi phạm hành chính về BVMT đồng bộ với Luật BVMT năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020. Đây là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Phạm vi điều chỉnh trong nghị định 45/2022/NĐ-CP

Tại điều 1 nghị định này có quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm:

1. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường.

b) Các hành vi gây ô nhiễm môi trường.

c) Các hành vi vi phạm các quy định về quản lý chất thải.

d) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ (sau đây gọi chung là cơ sở) và khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế (sau đây gọi chung là khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung), cụm công nghiệp, làng nghề.

đ) Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản.

e) Các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.

g) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ô-dôn.

h) Các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học bao gồm: các quy định về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, chi trả dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên di truyền.

i) Các hành vi vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường; cung cấp, công khai thông tin về môi trường; báo cáo công tác bảo vệ môi trường.

k) Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm quy định khác về bảo vệ môi trường được quy định cụ thể tại Chương II Nghị định này.

3. Đối tượng áp dụng nghị định 45/2022/NĐ-CP

Đối tượng quy định áp dụng Nghị định 45/2022/NĐ-CP
Đối tượng quy định áp dụng Nghị định 45/2022/NĐ-CP

Tại điều 2 nghị định này có quy định các nhóm đối tượng áp dụng thực thi bao gồm:

1. Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong:

  • Phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
  • Trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.

2. Hộ gia đình, hộ kinh doanh, cộng đồng dân cư vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

3. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo Nghị định này bao gồm:

a) Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã.

c) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư; pháp nhân nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam.

d) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

đ) Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

e) Các đơn vị sự nghiệp.

g) Tổ hợp tác..

h) Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

4. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường tại Nghị định này.

5. Những điểm mới trong nghị định 45/2022/NĐ-CP

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực Bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều điểm mới như sau:

5.1 Bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới 

Nghị định 45/2022/NĐ-CP đã bổ sung đầy đủ chế tài cho các quy định mới tại Luật BVMT năm 2020 về các:

  • Vi phạm quy định về giấy phép môi trường, đăng ký môi trường.
  • Vi phạm quy định về vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải sau khi được cấp phép môi trường.
  • Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
  • Vi phạm dán nhãn và công bố thông tin có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
  • Vi phạm công bố thông tin quan trắc chất lượng môi trường, công khai thông tin môi trường, cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu cho cơ sở dữ liệu môi trường; vi phạm quy định về trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu.
  • Vi phạm các quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn.
  • Vi phạm đối với thực hiện quy định về BVMT di sản thiên nhiên; vi phạm sử dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên, …

5.2 Điều chỉnh mức xử phạt

Mức xử phạt tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP đã được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý và thực tiễn áp dụng. Quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường là 02 năm.

Đồng thời tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định quy định mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Cụ thể, tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không xây lắp công trình  BVMT, … đến mức tối đa (1 tỷ đồng đối với cá nhân; 2 tỷ đồng đối với tổ chức) để đảm bảo tính răn đe.

Ngoài ra, đối với các nhóm hành vi xảy ra nơi công cộng cũng đã được điều chỉnh mức phạt để đưa mức phạt tiền đối với các hành vi phù hợp với thẩm quyền xử phạt của nhiều lực lượng tại địa phương như: chiến sĩ công an (mức phạt tối đa với cá nhân là 500.000 đồng) hoặc trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an (mức phạt tối đa với cá nhân là 2.500.000 đồng).

5.3 Áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản

Nghị định 45/2022/NĐ-CP áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản với hành vi như vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định.

Với việc giảm mức tiền phạt, một số hành vi như vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định (mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng) và hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng) có thể áp dụng phạt tại chỗ không cần lập biên bản.

Việc giảm mức phạt này để đảm bảo tính khả thi với số đông người dân, đồng thời đơn giản hóa trình tự thủ tục xử phạt bằng hình thức phạt tại chỗ. Từ đó sẽ đưa các chế tài xử lý các hành vi vi phạm môi trường nơi công cộng được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

5.4 Tước quyền sử dụng giấy phép môi trường 

Ngoài mức phạt tiền, Nghị định đã quy định áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép môi trường (vô thời hạn hoặc đình chỉ có thời hạn ) đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành.

Các hành vi vi phạm như: xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định; các hành vi xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật nhiều lần, nghiêm trọng đến mức bị đình chỉ; hành vi vi phạm quy định của cơ sở xử lý chất thải nguy hại đến mức bị đình chỉ hoạt động…

Theo quy định hiện hành, giấy phép môi trường là văn bản do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép xả chất thải ra môi trường, quản lý chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất kèm theo yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường. Việc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường đồng nghĩa với việc tổ chức, cá nhân đó không đủ điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Ngoài ra, nghị định còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

  • Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu.
  • Phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.

5.5 Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số lực lượng mới

Nghị định bổ sung một số quy định để đảm bảo hiệu quả thực thi việc xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường trong thực tiễn như:

  • Bổ sung 1 điều quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm.
  • Quy định cụ thể biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng cố tình vi phạm để trốn đầu tư hoặc chi phí vận hành cho các công trình bảo vệ môi trường.

Bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho một số lực lượng mới nhằm tăng cường tối đa lực lượng tham gia vào việc kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT như:

  • Kiểm ngư.
  • Cảng vụ hàng không.
  • Cục quản lý môi trường y tế.
  • Thanh tra chuyên ngành công thương, thanh tra chuyên ngành văn hóa, thể thao và du lịch, …

Ngoài ra, Nghị định bổ sung trách nhiệm của Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đối với:

  • Thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn.
  • Đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm và trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động.
  • Cưỡng chế áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc di dời dự án, cơ sở theo quy định đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm nằm trong khu vực của ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Trên đây là một số nội dung của nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà Hòa Bình Xanh cập nhật cho quý doanh nghiệp dễ dàng tham khảo và tìm hiểu. Trường hợp quý khách hàng và công ty có thắc mắc cần hướng dẫn thực hiện một số công tác trong nghị định số 45/2022/NĐ-CP hãy gọi ngay cho chúng tôi qua HOTLINE 0943.466.579 để nhận được sự hỗ trợ nhanh nhất và tận tình nhất.

Dịch vụ xử lý môi trường mới nhất tại – Công ty TNHH Công nghệ môi trường Hòa Bình Xanh

Quý doanh nghiệp hãy liên hệ tới Công ty TNHH Công nghệ Môi trường Hòa Bình Xanh. Công ty chúng tôi với đội ngũ thạc sĩ, kỹ sư giàu kinh nghiệm đã đầu tư nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các công nghệ xử lý và tìm các phương án xử lý chất lượng tốt nhất, chi phí hợp lý và thời gian nhanh nhất.

Với phương châm: ”Uy tín, chất lượng là hàng đầu” Hòa Bình Xanh mang đến cho quý khách hàng sản phẩm và dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu cần thiết của quý khách.

Nhận xét bài viết!